Chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn, bỏ pháp môn này làm sao yên được? Phàm là người tu Tịnh nghiệp, điều thứ nhất là phải nghiêm trì tịnh giới, điều thứ hai là phải phát Bồ Đề tâm, điều thứ ba là phải có tín nguyện chân thật. Giới là cơ sở của các pháp, Bồ Đề tâm là chủ soái của tu đạo, Tín - Nguyện dẫn đường cho sự vãng sanh. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông: Không có Tín làm sao phát ra Nguyện được? Không có Nguyện làm sao khởi Hạnh? Không có Diệu Hạnh Trì Danh làm sao chứng được Tín, mãn được Nguyện? Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do có Tín - Nguyện hay không! Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn.
Tín - Nguyện - Hạnh như ba chân của cái đỉnh, thiếu một sẽ đổ. Nếu chẳng chú trọng Tín - Nguyện, chỉ mong trì danh đến mức nhất tâm; dẫu cho đạt được nhất tâm sâu xa, cũng khó thể liễu sanh thoát tử. Vì sao vậy? Do Phiền Hoặc chưa hết, chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử; Tín - Nguyện đã không có, sẽ chẳng thể nương theo Phật lực để liễu sanh tử. Trong đời có những kẻ ham cao chuộng xa, thường bàn lan man về tự lực, miệt thị Phật lực, chẳng biết: Từ sống đến chết, không một chuyện nào chẳng phải nhờ vào sức người khác, nhưng chẳng lấy đó làm thẹn; sao lại riêng với một mình chuyện lớn liễu sanh tử, ngay cả Phật lực cũng chẳng muốn nhận? Mất trí điên cuồng đến mức như thế đấy! Hành giả Tịnh Tông hãy nên răn dè!
Đối với pháp tắc tu trì thì thường nên như con nhớ mẹ; đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, qua lại, một câu Phật hiệu miên miên mật mật, bất cứ sự duyên nào cũng chẳng để gián đoạn, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Người làm được như thế chắc chắn sẽ vãng sanh. Tâm lại phải thường nghĩ tới nhân từ, khoan dung, tánh tình hồn hậu, hòa thuận, nhẫn được điều người khác chẳng thể nhẫn, làm được chuyện người khác chẳng thể làm, chịu nhọc nhằn thay cho người khác, thành tựu sự tốt đẹp cho người ta, thường nghĩ tới lỗi mình, đừng bàn tới sự sai trái của kẻ khác!